Hướng phát triển của công nghệ in kỹ thuật số cho lĩnh vực in nhãn hàng

 

Ngày nay nền kinh tế thế giới đang phát triển một cách nhanh chóng, các quốc gia đang dần mở cửa thông thương để cùng phát triển với thế giới. Chính vì vậy, sự cạnh tranh giữa các công ty ngày càng trở nên gay gắt nhất là các công ty sản xuất hàng tiêu dùng. Một trong những “thứ vũ khí” lợi hại nhất được các công ty sử dụng là quảng cáo thương hiệu của họ, đưa tên tuổi công ty họ đến gần với người dùng hơn. Và nhãn hàng chính là một hình thức quảng cáo hiệu quả cao đồng thời cũng là bộ mặt đại diện cho toàn thương hiệu.
Thật vậy, trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhãn hàng được các công ty đặc biệt chú trọng. Nhà sản xuất luôn tìm mọi cách để khách hàng nhớ tới họ, tìm mọi cách để “nịnh” khách hàng của mình, làm cho khách hàng có cảm giác là sản phẩm này được làm ra là dành riêng cho mình. Việc Coca Cola in tên khách hàng lên nhãn sản phẩm của họ và ngay lập tức tạo nên cơn sốt trong giới trẻ là một ví dụ điển hình nhất, họ đã quá thành công trong việc quảng cáo thương hiệu của mình thông qua nhãn hàng. Ngay sau đó, Pepsi cũng tung ra thị trường những sản phẩm có nhãn mang đầy đủ những biểu tượng cảm xúc để khách hàng tha hồ lựa chọn sản phẩm mang biểu tượng thích hợp với cảm xúc của mình. Đó chỉ là hai trong số rất nhiều những chiến dịch quảng cáo thành công rực rỡ thông qua nhãn hàng từ các công ty.

 
Nhãn hàng Coca Cola và Pepsi trong một chiến dịch quảng cáo


Cùng với sự phát triển như vũ bão của nhãn hàng, lĩnh vực in nhãn trở thành một “con gà đẻ trứng vàng” cho ngành công nghệ in nói chung. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng đòi hỏi công nghệ in nhãn phải phát triển để có thể đáp ứng những yêu cầu ngày càng khó khăn, gắt gao hơn từ khách hàng của mình cũng như trở nên phù hợp hơn với việc sản xuất nhãn hàng trong điều kiện hiện tại. Các nhãn hàng quảng cáo theo các chiến dịch thường chỉ trong một thời gian ngắn và số lượng nhãn được in ra không nhiều. Chính vì vậy in nhãn hàng quảng cáo bằng công nghệ in truyền thống trở nên đắt đỏ và không còn phù hợp, thay vào đó là công nghệ in kỹ thuật số đang phát triển vượt bậc, công nghệ này có thể in nhãn số lượng ít và việc thay đổi liên tục về kiểu dáng của nhãn không còn là vấn đề đối với các nhà sản xuất. Các máy in nhãn công nghệ kỹ thuật số có nhiều loại, in phun có công nghệ in UV, in phun mực pigment công nghệ tĩnh điện như dòng máy in 300x của hãng Neural Label dùng công nghệ Page-wide của HP, máy in công nghệ lazer như iColor, Oki,...

Cả thế giới đang ở trong thời kỳ công nghệ số phát triển nhanh như vũ bão, ngành in cũng không ngoại lệ. Công nghệ in kỹ thuật số đã góp một phần không nhỏ vào việc phát triển các hoạt động kinh doanh, sản xuất, quảng cáo và tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong quá trình in ấn.
Theo nghiên cứu mới nhất của Smithers Pira – Cơ quan toàn cầu về bao bì, giấy và chuỗi cung ứng in ấn công nghiệp cho thấy: “Vào năm 2018 ngành công nghiệp kỹ thuật số sẽ tăng lên 187,7 tỷ USD so với 131,5 tỷ USD ở năm 2013, tốc độ tăng trường hàng năm là 7,4%. Về mặt giá trị, trong năm 2008, in kỹ thuật số chỉ chiếm khoảng 18.5% của thị trường in offset; vào năm 2018, in kỹ thuật số được dự đoán sẽ chiếm gần 50% trên toàn thế giới và con số này sẽ cao hơn ở các nước có in kỹ thuật số phát triển. Khối lượng in offset sẽ giảm 10.2% trên toàn thế giới từ năm 2008 đến 2018, trong khi đó khối lượng in kỹ thuật số được dự đoán sẽ tăng 68.1%. Tính kinh tế của in offset và in kỹ thuật số được phát triển liên tục. In kỹ thuật số đang có xu hướng cải thiện năng suất, độ tin cậy và hiệu quả hơn về mặt kinh tế: chi phí ít hơn và tốc độ in ấn cao hơn. In kỹ thuật số tạo ra nhiều sản phẩm trong thời gian ngắn, không cần thời gian chuẩn bị bản (plate) như in offset. Nhiều nhà in sẽ đầu tư thêm máy in kỹ thuật số để tối ưu hóa sản lượng và tối thiểu hóa chi phí in ấn.”


Tỷ lệ giữa in offset và in kỹ thuật số trong thị trường in, 2008 - 2018 (theo giá trị và khối lượng công việc)-Nguồn:https://www.smitherspira.com

Như vậy chúng ta có thể thấy được rằng thị trường in kỹ thuật số đang ngày càng trở nên sôi động. Với những đặc điểm hiện có của công nghệ in kỹ thuật số đã đáp ứng được các tiêu chí khắc khe của lĩnh vực in nhãn hàng – bao bì vốn trước kia là thị phần của các phương pháp in truyền thống. Không những vậy, với sự phát triển kinh tế nhanh chóng ở nhiều quốc gia cũng kéo theo sự cạnh tranh quảng cáo giữa các doanh nghiệp sẽ trở nên khốc liệt. Các doanh nghiệp đang chú trọng đến từng cá nhân khách hàng, nhãn hàng trên các sản phẩm của họ sẽ được thay đổi liên tục để tạo sự mới mẻ cho khách hàng hoặc in lên nhãn những thứ liên quan tới khách hàng để tạo sự hứng thú cho các vị khách của mình, khiến họ có cảm giác được tôn trọng, được các doanh nghiệp quan tâm tới nhiều hơn. Điều này gây ra những khó khăn rất lớn cho các phương pháp in truyền thống khi chúng chỉ có thể in những nhãn hàng có tính lặp đi lặp lại cao ở số lượng lớn, không thể hướng vào chi tiết cá nhân hóa do không thể ghi ra một bộ bản in chỉ để in vài lượt máy. Tuy nhiên đây lại là một thị trường màu mỡ dành cho phương pháp in kỹ thuật số khi nó không bị lệ thuộc vào bản in, một nhãn hàng cho dù là in một cái đi nữa thì máy cũng có thể dễ dàng in được mà không hề tốn kém hay lãng phí bất cứ thứ gì. Ngoài ra, nó còn được dễ dàng ứng dụng cho việc in thử các mẫu sản xuất. Như chúng ta đều biết nhãn hàng là bộ mặt giao tiếp với khách hàng cùa mỗi công ty, doanh nghiệp, do đó họ sẽ đòi hỏi rất cao về chất lượng in ấn đối với các sản phẩm này. Trước khi được in sản lượng thì nhà in phải in thử nhiều lần để cho khách hàng ký duyệt. Nếu như in bằng các phương pháp in truyền thống như offset, flexo,..thì phải tốn kém rất nhiều bản in, thử tưởng tượng để in mẫu cho khách hàng ký bài cần phải chế bản, ghi bản rồi tiến hành in thử vài lượt để lấy mẫu cho khách duyệt, nếu như khách hàng không duyệt hay có bất kỳ thiếu sót nào thì phải bỏ cả bộ bản đó để tiến hành chình sửa và ghi bản lại. Việc này gây lãnh phí rất lớn cho nhà in cả về thời gian, công sức và cả tiền của nữa. Còn với in kỹ thuật số thì không cần phải vậy, cùng với việc tái tạo chất lượng của tờ in rất tốt nên nó thường xuyên được dùng để in mẫu cho các nhãn hàng, công việc này trở nên nhẹ nhàng hơn hẳn khi không cần đến các công đoan ghi bản kẽm, nếu có sai sót xảy ra mà khách hàng không ký duyệt thì có thể chỉnh sửa trực tiếp và tiến hành in lại một cách nhanh chóng, không làm mất thời gian cũng như lãng phí về nguyên vật liệu và tiền của của nhà in.

Nói tóm lại, con đường phát triển phía trước của in kỹ thuật số trong lĩnh vực nhãn hàng rất khả quan, giá trị và số lượng đơn hàng không ngừng tăng lên trong nhiều năm trở lại đây.
Đặc thù của ngành in kỹ thuật số là đáp ứng nhu cầu in số lượng không quá lớn, dữ liệu tùy biến nhiều, in nhanh lấy liền, nên để tạo được nguồn khách hàng lớn và ổn định ngành in kỹ thuật số cần kết nối với càng nhiều khách hàng càng tốt. Thời điểm phát triển của ngành in kỹ thuật số cũng trùng hợp với thời kỳ bùng nổ internet và các sàn thương mại điện tử. Chính khả năng kết nối không giới hạn về địa lý, thương mại điện tử có thể giúp các công ty in tích hợp công nghệ hiện đại tiếp cận nhiều khách hàng tiềm năng khách hàng lớn.

Nếu quý khách có nhu cầu tìm hiểu thêm về máy in nhãn kỹ thuật số hãy liên hệ VPrint để được tư vấn thêm.

Khoa Nguyen- Vprint Machinery

--------------------------------------------------------------------------//------------------------------------------------------------

Các bài khác

In offset

Nguyên lý làm việc máy in kỹ thuật số

 

Hits: Th?ng kê web

© 2016 VPRINT, All rights reserved

Designed by VPrint